Từ báo Đầu Tư: “Không để tình trạng “vốn chờ dự án” trong đầu tư công”
Toàn Tín luôn dõi theo các Thông tin chính thức từ Báo đầu tư và một vài trang thông tin khác, để cập nhật và nắm bắt tình hình, làm tiền đề và cơ sở để hỗ trợ Khách Hàng tốt nhất.
Trình bày báo cáo về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 21/7, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) có những chuyển biến tích cực, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%) với số tuyệt đối cao hơn 65 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực giải ngân kế hoạch vốn NSNN năm 2023 còn rất lớn, khoảng 491.000 tỷ đồng. Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Các bộ, ngành địa phương cũng cần đánh giá, phân tích sâu sắc kết quả giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị hết sức cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.Đối với xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024, lãnh đạo Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, năm 2024, đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương.
“Đây là năm chúng ta đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 khi hầu hết các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đồng thời cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 và chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn sau”, ông Tâm cho hay.
Trước bối cảnh và kỳ vọng đó, các bộ, địa phương cần chú trọng một số vấn đề như chỉ đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư; chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2023 để có thể giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, không để tình trạng “vốn chờ dự án”.Ông Tâm cũng đề nghị tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao. Chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Tập trung nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước… bảo đảm liền mạch, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Nguồn: Báo đầu tư